Hồ sơ và Thủ tục tham gia bảo hiểm thất nghiệp mới nhất năm 2025 theo Quyết định 315/QĐ-BNV về việc công bố thủ tục hành chính được sửa đổi, bổ sung lĩnh vực việc làm, có hiệu lực từ ngày 04/4/2025
Yêu cầu, điều kiện thực hiện thủ tục hành chính:
Người sử dụng lao động tham gia bảo hiểm thất nghiệp bao gồm cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập, đơn vị vũ trang nhân dân; tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp; cơ quan, tổ chức nước ngoài, tổ chức quốc tế hoạt động trên lãnh thổ Việt Nam; doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ gia đình, hộ kinh doanh, tổ hợp tác, tổ chức khác và cá nhân có thuê mướn, sử dụng lao động theo hợp đồng làm việc hoặc hợp đồng lao động quy định tại khoản 1 Điều 43 của Luật Việc làm.
1. Trình tự thực hiện thủ tục tham gia bảo hiểm thất nghiệp:
- Bước 1: Trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc có hiệu lực, người sử dụng lao động lập và nộp hồ sơ tham gia bảo hiểm thất nghiệp của người lao động cho cơ quan bảo hiểm xã hội.
- Bước 2: Hằng tháng, người sử dụng lao động đóng bảo hiểm thất nghiệp theo mức bằng 1% quỹ tiền lương tháng của những người lao động đang tham gia bảo hiểm thất nghiệp và trích tiền lương của từng người lao động theo mức bằng 1% tiền lương tháng để đóng cùng một lúc vào quỹ bảo hiểm thất nghiệp.
2. Cách thức thực hiện: Người sử dụng lao động lập và nộp hồ sơ tham gia bảo hiểm thất nghiệp, đóng bảo hiểm thất nghiệp theo mức quy định của người lao động cho cơ quan bảo hiểm xã hội.
3. Thành phần hồ sơ: Theo quy định của Bảo hiểm xã hội Việt Nam.
4. Số lượng hồ sơ: Theo quy định của Bảo hiểm xã hội Việt Nam.
5. Thời hạn giải quyết: Theo quy định của Bảo hiểm xã hội Việt Nam.
6. Đối tượng thực hiện thủ tục hành chính: Người sử dụng lao động.
7. Cơ quan thực hiện thủ tục hành chính: Cơ quan bảo hiểm xã hội.
8. Kết quả thực hiện thủ tục hành chính: Người lao động tham gia đóng bảo hiểm thất nghiệp.
9. Lệ phí: Không.
10. Tên mẫu đơn, mẫu tờ khai: Theo quy định của Bảo hiểm xã hội Việt Nam.
11. Căn cứ pháp lý của thủ tục hành chính:
- Luật Việc làm ngày 16 tháng 11 năm 2013;
- Nghị quyết số 190/2025/QH15 ngày 19/02/2025 của Quốc hội quy định về xử lý một số vấn đề liên quan đến sắp xếp tổ chức bộ máy nhà nước.
- Nghị định số 25/2025/NĐ-CP ngày 21 tháng 02 năm 2025 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Nội vụ
- Căn cứ Nghị định số 45/2025/NĐ-CP ngày 28/02/2025 của Chính phủ quy định tổ chức các cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và Ủy ban nhân dân huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thành phố thuộc thành phố trực thuộc trung ương.
- Nghị định số 28/2015/NĐ-CP ngày 12/3/2015 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Việc làm về bảo hiểm thất nghiệp;
- Nghị định số 61/2020/NĐ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 28/2015/NĐ-CP ngày 12/3/2015 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Việc làm về bảo hiểm thất nghiệp
- Thông tư số 28/2015/TT-BLĐTBXH ngày 31/7/2015 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội hướng dẫn thực hiện Điều 52 của Luật Việc làm và một số điều của Nghị định số 28/2015/NĐ-CP ngày 12/3/2015.
- Thông tư số 15/2023/TT-BLĐTBXH ngày 29/12/2023 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội sửa đổi, bổ sung Thông tư số 28/2015/TT-BLĐTBXH ngày 31/7/2015.